Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

[Review] Hotboy nổi loạn & câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt - 1.




HotBoy nổi loạn & câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt.



Bàn về chữ “tình” và vòng xóay của số phận.
1.

Đối với các nước phương Đông, đặc biệt là những nơi như Việt Nam, vấn đề đồng tính luôn là một mảng tối khá nhạy cảm và luôn bị nhìn bằng con mắt kì thị và phiến diện. Thế giới thứ ba, về gay và lesbian không còn là một cái gì tách biệt nữa, mà bây giờ đâu đâu cũng thấy người ta nhắc đến, bàn luận như việc các bà đi chợ mua mớ rau, con cá. Cách mà giới giải trí và cánh báo chí khai thác về tình yêu đồng giới cũng thật giống như một “trào lưu”, đôi khi khiến nhiều người xa lánh và càng thêm ghê tởm những con người trót mang giới tính “không giống bình thường”. Và tôi tự hỏi, họ biết được bao nhiêu phần trăm sự thật? Hay chỉ là một cách nhìn một chiều mà không có tính khách quan? Nhất là càng lúc càng có nhiều phim, truyện và bài hát đá đưa một chút tình “gay” như một chiêu câu khách. Đối với những điều đó, tôi thấy thật đáng thương. Bởi vì càng lúc, họ càng vô tình đẩy những con người ấy ra xa hơn với cuộc sống.


Tôi là một cô gái thế hệ 9X đời đầu, cuộc sống bình thường vừa đủ trong một gia đình nề nếp, hưởng sự giáo dục toàn diện và lành mạnh. Cũng phải nói thêm, tôi đôi khi khá cổ hủ với khuôn phép sống cũ, và đôi lúc thấy mình lạc lõng so với các em 9X bây giờ. Nhưng, tôi thoáng trong cách nghĩ và nhìn nhận cuộc sống. Tôi thoáng, nhưng không có nghĩa là buông thả và lệch lạc. Chỉ là tôi nhìn cuộc sống bằng con mắt bình thản, suy xét mọi khía cạnh và khá cởi mở với những cái mới. Đối với vấn đề đồng tính, tôi nhìn dưới góc độ của một con người. Tức là không phản đối nhưng cũng không ủng hộ, tung hô. Tôi đơn giản là giữ thái độ trung lập. Vì suy cho cùng, không ai có thể làm chủ trái tim và cảm xúc của mình. Tình yêu, có chăng là phản ứng hóa học trong não bộ. Và không ai có thể điều khiển được mình phải yêu ai. Đã là một con người thì đều có quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc.


Khi nghe được thông tin chú Vũ Ngọc Đãng làm bộ phim về thế giới thứ ba, hay gọi theo cách bây giờ là “boy love”, tôi rất háo hức, thậm chí mong chờ đến ngày được xem. Lí do vì sao? Đơn giản vì tôi tin tưởng vào chú Đãng, một đạo diễn tài năng với cách xây dựng kịch bản và xử lí góc quay rất hợp lí. Hơn nữa, tôi từng mất cảm tình với một phim “boy love” là “Trai nhảy” trước đó, nên việc ra đời “Hotboy nổi loạn & cậu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt” của chú, tôi thật sự có cảm giác phấn khích. Tôi từng xem “Brokeback Mountain”, “Takumi-kun Series”  nên việc xem một phim “boy love” Việt thực sự có một sự mong chờ và kì vọng rất riêng. Tôi gửi niềm tin vào chú và vào dàn diễn viên “nhìn vào phát sốt” , hi vọng không phải vỡ mộng và chán nản với điệnảnh nước nhà. Quả nhiên, chú Đãng đã không làm tôi thất vọng. Bộ phim khiến tôi xúc động và bị ám ảnh.


Hotboy nổi loạn & câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt.



Tôi muốn bàn về chút “tình” của nhân gian.


Bộ phim đi sâu vào thế giới đồng tính, của những gã “trai bao” và những cô gái đứng đường. Tất cả đều mang nội dung hoàn toàn biệt lập, nhưng diễn ra song song trong một thước phim, cùng có chung một điểm: sự cùng cực của những người sống ở dưới đáy xã hội. Để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình, họ phải làm một nghề mà bị cả xã hội xem thường và dè bỉu : Mại dâm. Mà cuối cùng, họ có cố vũng vẫy mong thóat khỏi bùn lầy như nhớp cũng đều lực bất tòng tâm. Có người buông xuôi, có người phản kháng theo cách tiêu cực. Rốt cuộc, số mệnh đều sắp đặt những con người ấy không thể có được cuộc sống như mình muốn. Bộ phim đi rất sâu, đi rất kĩ và miêu tả vô cùng chân thực những mảng đời tăm tối, ghi lại bằng góc nhìn vừa thông cảm lại gai góc phê phán. Đi sâu, có nghĩa là chấp nhận rủi ro, nhưng không có nghĩa là đào bới gây phản cảm. Cái tài của Vũ Ngọc Đãng hay là ở chỗ đó. Góc quay đẹp đến chân thực, ngay cả cảnh giường chiếu đều rất đẹp, không hề dung  tục mà đầy nghệ thuật và chất tình ẩn chứa.



Bộ phim chia là hai mạch chính : về chuyện của Khôi-Lam-Đông và thằng Cười-cô gái điếm lỡ thì phải đứng đường.



Khôi xuất hiện trong phim ấn tượng chính là khuôn mặt còn nguyên sự ngây thơ và non nớt của một chàng trai mới lớn, từ quê lên Sài Gòn. Tôi ấn tượng với Khôi trước hết là sự ngây ngô trong cách nghĩ của cậu về Sài Gòn. Cậu lên thành phố với bao hoài bão và hi vọng, vì Sài Gòn trong mắt Khôi thật hào nhoáng và giống như giấc mơ về một thành phố thiên đường. Khôi đơn thân lên Sài Gòn vì gia đình mình không chấp nhận giới tính của cậu, và vì cậu nghĩ rằng Sài Gòn sẽ là nơi cậu có thể sống thật mà không phải giấu diếm. Tôi thật sự rất thích cái cách Khôi nghĩ, Khôi cười ngây ngô khi mới xuất hiện. Tinh khôi và không chút vẩn đục. Càng về sau, tôi lại có chút hối tiếc mãi đôi mắt và nụ cười trong sáng và lương thiện ấy. Hai thứ đó không bao giờ trở lại, vì Sài Gòn đã giữ nó lại và trả về cho Khôi một vệt đen không thể xóa nhòa trong tâm hồn. Tôi đã nghĩ Khôi nên mãi là một chàng trai quê chân chất, đừng nên để mình bị vướng bụi. Cậu quá lương thiện, quá hiền lành và quá ngây thơ để mà chịu những va vấp không nên có trong cuộc đời. Tôi đã nghĩ như thế, ước gì … Và tôi thật sự bị thu hút bởi cách diễn mà như không diễn của Hồ Vĩnh Khoa. Anh có lẽ lần đầu tiên đóng phim, nên đã giữ được sự non nớt vào vai diễn, tưởng chừng như dở mà lại thuyết phục vô cùng. Anh diễn rất đạt vai chàng trai quê nuôi giấc mộng không có thực về thành phố thiên đường và một tình yêu đáng lẽ ra không nên có. Hồ Vĩnh Khoa diễn đạt ở những cảnh khóc, nước mắt rơi rất chân thực và đẹp. Những giọt nước mắt cứ thế rơi xuống khi Khôi bị lừa, khi Khôi muốn Lam bỏ nghề. Khoa diễn quá đẹp và quá đạt, dường như Khôi chính là anh. Không quá kĩ thuật ở những cảnh diễn, không có cái chuyên nghiệp như Lương Mạnh Hải nhưng Hồ Vĩnh Khoa lại có cái tinh khôi, nguyên chất nhất của cảm xúc đưa vào nhân vật.  Tôi rất thích đoạn Khôi thức đợi Lam “đi làm” về, bên cạnh cậu là hai con mèo béo tròn. Màn đêm buông từ lâu, còn anh chưa thấy đâu. Cậu cứ thức, đợi anh trong đau xót câm nín. Cậu muốn ngăn anh lại nhưng không được, vì đó là cách sống mà Lam chọn. Đó là cuộc sống của Lam, của riêng Lam, và dù cậu với tư cách là một người yêu thì cũng không thể điều khiển được nó. Đó là nỗi đau đớn của sự bất lực, là sự nén lại căm hờn khi anh ngủ với người khác, dù chỉ để kiếm tiền nuôi hai người.


“Đây là số phận của anh, anh chấp nhận nó”
/Lam/


Đó thật sự là tiếng lòng, là tiếng cam chịu số phận của anh và là nhát dao cứa vào lòng cậu chảy máu. Đau, đau đến chảy nước mắt, nhưng lại là sự thật. Sài Gòn không dễ sống, nhất là với những người như Lam và Khôi. Tôi đã khóc khi Khôi đi đến chỗ Lam đón khách, khi xem đoạn Lam chạy theo gọi Khôi và rồi đi về, vừa đi vừa khóc vì không kịp. Cậu đơn giản chỉ muốn cho anh nếm trải cảm giác một mình ở nhà đợi một người qua đêm. Nó khó chịu đến mức cảm tưởng như phát điên, phát dại. Bức bối mà chẳng thể giải tỏa. Hồ Vĩnh Khoa diễn như bản năng trường đoạn đối thoại giữa Khôi và Lam về tất cả. Khôi khóc, những giọt nước mắt đau đớn, lại như van xin người yêu. Đẹp, nhưng đau. Tôi đã khóc, khóc vì góc quay thật sự đẹp và vì những giọt nước mắt chân thực cho một cảnh quay đầy giằng xé về nội tâm. Hồ Vĩnh Khoa, anh diễn non mà lại không non. Tôi nhớ nhất là nụ cười có chút bẽn lẽn và ngây ngốc của Khôi khi nói muốn anh đi làm thêm tại hiệu sách cũ với mình.



“ Nhất là cần có hai người làm. Em đã giới thiệu anh. Em muốn anh và em có thể làm chung một chỗ với nhau”


Tôi bất giác cười. Sao đôi mắt ấy, sao nụ cười ấy có thể đẹp, có thể trong sáng và hồn nhiên như vậy? Nó khiến cho người đối diện thấy sao yên bình, mà lại muốn che chở yêu thương đến nhường ấy. Khôi, có lẽ là trong từ “tinh khôi”. Cậu hệt như bình minh, dù đã chứng kiến, trải qua những bùn nhơ của cuộc sống dưới đáy xã hội, thì cậu vẫn giữ được tâm hồn không chút vẫn đục. Hệt như thủy tinh không hoen ố, mãi mơ về một tình yêu đích thực. Cậu yêu anh, có lẽ bắt đâu chỉ là chút tò mò và biết ơn trong lúc cô đơn cần một nơi tựa vào. Nhưng rồi, dần dần, cậu đã đặt toàn bộ trái tim mình vào Lam, như cái cách Lam thuở ban đầu đặt trái tim mình vào Đông. Cuối cùng vỡ mộng. Tan tành.



“Tình yêu của Gay mà. Hợp thì xích vào, không  thích thì chia tay”/ Đông/


“Anh sợ nếu như anh chiu tay em, anh sẽ lại quay trở về với nghề cũ. Vậy nên cứ yêu đi, được ngày nào, hay ngày đó”/ Lam/



Khôi khóc, khóc vì yêu, vì bất lực và vì giấc mơ về một thiên đường tan biến như cát bụi. Cậu yêu Lam, nhưng cậu không thể chấp nhận người yêu tiếp tục làm trai bao, đứng đường suốt đêm, làm cái nghề mang nhục nhã. Vì cậu yêu anh, nên cậu muốn anh từ bỏ vì cậu, vì tương lai của cả hai. Cậu nghĩ quá đơn giản, lại hi vọng quá nhiều để rồi thất vọng cay đắng. Hồ Vĩnh Khoa đối với cá nhân tôi, đã diễn trọn nhân vật một cách xuất sắc. Tôi nhớ mãi câu nói của nhân vật Khôi, một câu nói ám ảnh tôi đến tận cuối phim


“ Mọi người không có quyền chọn giới tính khi mình sinh ra, nhưng người ta có quyền chọn lựa cách sống đối với giới tính mà người ta có”.


Và cậu đặt lên môi anh nụ hôn cuối. Môi chạm môi, rất nhẹ, nhưng đầy tình yêu và chua xót. Khôi đi, cậu trở về nơi cậu bắt đầu.


Kết thúc một cuộc tình lẽ ra không nên có.


Tôi yêu cái cách Hồ Vĩnh Khoa diễn, cách anh cười. Rất thật, anh đem đến cho tôi một cảm xúc trong sáng duy nhất trong cái tăm tối của mạch truyện. Anh diễn đạt, dù có thật sự đôi chỗ ngây ngô nhưng lại chân thật đến không ngờ. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi anh. Dù là về nỗi đau, nhưng Khôi vẫn sáng. Rất đáng ngợi khen cho một diễn viên mới lần đầu tiên đóng phim, lại là một bộ phim đầy gai góc như thế này. Hồ Vĩnh Khoa, anh làm rất tốt.



Nhân vật thứ hai trong mối quan hệ phức tạp, dó là Lam –nhân vật gai góc nhất và là ám ảnh nhất của phim.



To be continued~


part 2 is coming soon.



P.S :  lời thoại là tôi nhớ mà đưa vào, không chính xác nên đừng so đo nhiều làm chi. Thank!!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét