Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

[ Review] Hotboy nổi loạn & câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt- 4.



Tuyến nhân vật chính thứ hai và là nhân vật then chốt thứ tư trong câu chuyện, nhân vật gây cho tôi ấn tượng thị giác và cảm giác mạnh mỗi khi xuất hiện, đó là Hạnh – cô gái điếm hết đát của Phương Thanh. Tôi chỉ có thể thốt lên một câu : Trời đất, sao sốc đến vậy. Quả thực, chỉ có duy nhất từ “sốc’ để cảm nhận hết về Hạnh mà thôi.



Như tôi đã nói lúc đầu, mạch truyện thứ hai đi sâu vào mối quan hệ giữa Cười và cô gái điếm tên Hạnh. Có thể nói, Hạnh là một nhân vật có vai trò như một sợi dây nối Cười với thế giới và ngược lại, nhờ Cười mà Hạnh vụt sáng, trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Nhân vật Hạnh có thể nói rằng là một nhân vật vô cùng đặc biệt, đặc biệt hơn bất kì ai. Tôi khi nhìn vào Hạnh, điều đầu tiên tôi bật ra rằng : Ôi trời ơi! Thật đó, không phải là cái kêu lên khi gặp cảnh nude của Lam hay cái cười hinh hích mỗi lần Cười xuất hiện, cũng chẳng phải cái cười mỉm khi thấy Khôi. Tôi nhìn Hạnh đứng đón khách, dưới ánh đèn đường mờ ảo, cô hiện lên quả đáng phải cảm thán một câu gây sốc như vậy. Tôi không ngờ chị Phương Thanh lại hi sinh vì vai diễn như vậy, vì hóa thân vào Hạnh Phương Thanh đã trân mình để diễn cảnh bị đánh, rồi hút thuốc, nhả khói như một con nghiện thuốc chuyên nghiệp. Viếtvề Hạnh không khó, nhưng cái cốt lõi lại chính là tâm hồn và vẻ đẹp của cô lại quá khó để cảm nhận chỉ bằng một vài lời. Tôi đã đờ người trong vài phút vì không biết chọn cái gì để nói về cô. Hạnh là một nhân vật để lại điểm nhấn của phim, là cái chốt sau cùng cho chuỗi những đen tối, u ám của mạch truyện. Hạnh, không khó để nói về cô, nhưng lại quá hóc búa để diễn tả cho hết cái thần của nhân vật. Đối với Lam và Khôi, cái cảm giác còn đọng lại là sự đau đớn đến bàng hoàng và hụt hẫng đến tức ngực. Tiếp cận với Cười, tôi lại thấy yên bình, thanh thản nhưng lại nhoi nhói tê tái. Còn Hạnh, tiếp cận cô bằng mọi khía cạnh, cái duy nhất tôi cảm nhận được là cái bất cần đời, cái hiền lành dịu dàng của người phụ nữ vùng sông nước, bị vùi lấp bằng những bùn như của cuộc đời. Hạnh sáng không phải như cách của Khôi, mà cô sáng bằng chính tính cách và khung hình tăm tối cô xuất hiện. Hạnh đặc biệt bởi lẽ, cô là một cô gái điếm lỡ thì, hết đát và phải ra đứng đường. Hạnh xuất hiện qua mỗi cảnh phim hầu như chưa có lúc nào là có ánh sáng. Nói cách khác, cô xuất hiện ở những cảnh đêm tối, vì tính đặc thù của công việc. Lúc thì là một tối bên gốc cây, cô đứng chào khách. Lúc thì trong một tối mưa ế ẩm, cô đốt thuốc, đội chiếc mũ bảo hiểm chấm chớ che những giọt nước mưa lạnh toát. Khói thuốc phả ra bay vòng, uốn lượn như chính cô bất cần, buông xuôi mà lại đau đớn đến nghẹn ngào. Có lúc cô lại xuất hiện dưới ánh sáng đường mờ mờ một màu không rõ vàng hay cam, của cái đèn đường cũ xỉn. Cũng có khi, Hạnh xuất hiện tự nhiên và dịu dàng trên cái ghe của Cười của một tối vắng khách. Chưa bao giờ Hạnh được xuất hiện trong  ánh sáng. Lúc nào người ta cũng chỉ thấy cô vào tối, khi Hạnh làm việc. Duy nhất khung hình cuối phim,  Hạnh được đặt trong thứ ánh sáng của một ngày mới. Cô ngồi trong nắng lên, ngây ngẩn và đau đớn nhưng lại nghẹn lại, chua xót. Câu đầu tiên cho khung cảnh đầy ánh sáng đầu tiên và cũng là cuối cùng của Hạnh lại là câu giới thiệu tên mình với Cười.


Tôi tên Hạnh. Ngô Thị Phước Hạnh”


Có thể nói Phương Thanh đã có một vai diễn như ý, rất chuẩn và rất hay. Chị Chanh đã diễn một vai đầy bất ngờ, lạ lùng mà lại gây thiện cảm lớn với khán giả. Không có một ai đóng vai cô gái điếm lại gây được ấn tượng kì lạ mà thu hút như chị. Hạnh, qua cách diễn duyên dáng và tự nhiên của chị đã làm tất cả bật khóc đồng cảm. Hạnh là một nhân vật đổi mới với Phương Thanh, khi mà Phương Thanh dường như tạo cảm giác không chắc chắn người ta nghĩ đến khi được giao vai. Chưa lúc nào, Hạnh lại có một sức sống mãnh liệt hơn thế. Cô gái điếm già nua với khuôn mặt rỗ, da sần, được che lấp bằng lớp phấn rẻ tiền, môi đỏ đậm và luôn phì phèo điếu thuốc lại đẹp hơn bao giờ hết. Vì cớ gì Hạnh lại đẹp hơn bất kì cô gái nào? Cô nổi bật, lạ lùng và khiến cho người xem cùng cười và cùng khóc thông cảm. Cảnh đời của Hạnh vô cùng đáng thương. Cô gái ấy đáng lẽ ra vẫn là một cô thôn nữ hiền lành nếu như gia đình cô không gặp hạn trong dịch cúm gia cầm. Cả đàn vịt nhà Hạnh chết hết, không còn một con. Để kiếm sống, nuôi gia đình, Hạnh phải làm đĩ. Cuộc đời Hạnh là tiêu biểu và điển hình cho những cô gái lầm lỡ, sa chân trượt dài trong bùn nhơ. Hạnh duyên dáng theo một cách rất riêng và đặt bên cạnh thằng Cười khờ khạo, lại tỏa sáng ấm áp đến mức ngỡ ngàng. Tôi không biết cảm xúc của tôi với cô là gì, nó gần như là cái gì đó thương cảm, đau xót, mà lại thích thú yêu mến.  Quả thật, Hạnh xuất hiện chẳng màu mè rực rỡ, nhưng chỉ một vài phút thôi, tất cả đều phải hướng ánh nhìn về cô. Phương Thanh diễn quá ngọt, chẳng cần găng mình cứng sức, tỏ vẻ uất đời, cảm thán. Chị diễn bằng một cái duyên với vai, dường như chỉ có Phương Thanh mới có thể diễn trọn sức hút khó tả của Hạnh. Tôi chỉ biết cảm thán rằng, dõi theo Lam mệt vì đau, còn Hạnh, tôi đuối sức, vì tất cả chi tiết chị xuất hiện đều nhanh và đầy cao trào. Có thể miêu tả Hạnh chỉ bằng câu : Nếu tất cả gái điếm mà như Hạnh thì đời sẽ có xiết bao thú vị. Ấy vậy mà có nõi thế này hay thế kia, cái Hạnh nhận được chỉ là những trận đòn thừa sống thiếu chết, những khinh thường nhục mạ bóc lột. Và chính trong cái hiểm nguy ấy, ta lại càng cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp nhân cách cảu cô.


Hạnh là nhân vật để lại ấn tượng lạ lùng và kì quặc.


Hạnh đơn độc, lạc lõng giữa dòng đời. Cô làm một cái nghề bán thân xác để kiếm chút tiền nuôi cuộc sống đã chẳng dễ dàng.  Cô mặc cả tiền đi khách bằng một cái giọng lả lướt mời chào rất đúng kiểu, ấy thế mà giá vẫn rẻ như bèo. Tiền kiếm được có là bao, ấy thế mà vẫn phải nộp tiền cho tụi bảo kê. Đã vậy, cô còn bị đánh đập tàn bạo. Chưa có nhân vật nào gây niềm xót xa quặn thắt lại như Hạnh. Dường như cô có cái gì đó giống Lam, đúng không vậy? Hai người sao lại nhang nhác nhau ở cái tính cam chịu và nuốt uất hận vào trong. Nhưng khác Lam phản ứng bằng cái ngông, bằng cái bình thản thì Hạnh lại cam chịu bằng một cái chua xót giấu sau lớp phấn son và nụ cười lả lơi, mời mọc. Hạnh khiến tôi thương thay xót hộ. Chẳng biết làm gì hơn là cắn chặt răng mỗi khi nhìn cô bị đánh. Hạnh chấp nhận bị đòn, vì cô hiểu càng phản kháng thì kết cục càng tồi tệ. Phương Thanh đã đóng tốt đến bất ngờ cái chanh chua rất tỉnh, nhưng bỗng chốc hóa hiền lành như bông hoa đồng nội khi ngồi bên Cười nâng niu con vịt con. Hốt nhiên, tôi bỗng thấy Hạnh vụt rực rỡ bất ngờ.


Điều tôi nhớ nhất về Hạnh là mối liên hệ kì lạ của cô và Cười. Nó là một cái gì đó gần như là tình yêu, mà lại như thông cảm, sự thấu hiểu giữa hai con người mang số phận kì quặc của xã hội.


Tình cảm của Hạnh là sự biến chuyển từ ghét, khó chịu với cái phiền nhiễu của Cười. Dần dần, cô thấy thích thú mỗi lần Cười xuất hiện, đơn giản vì cô cần một cái gì đó yên bình để thả lỏng tâm tư. Có thể nói, sự xuất hiện của Cười là một điểm sáng ấm áp bên trong Hạnh. Đối với Cười, Hạnh không cần phải khoác lên mình vỏ bọc bất cần, bụi bặm và lả lơi như với khách. Ngồi bên Cười, dù chỉ là nói về con vịt, lòng Hạnh cũng tìm được chút thanh thản, vì cô cần một khoảng lặng giữa cuộc đời. Hạnh là một cô gái đầy gai góc, cô độc mà lại yêu kiểu bằng một nét rất thú vị, không đụng hàng. Hạnh đối với Cười như là một sự biết ơn, cao hơn là tình thương giữa những người bị số phận hắt hủi.


Nói đến mối liên hệ giữa Cười và Hạnh, điểm chung duy nhất nối hai con người ấy lại là con vịt. Họ tồn tại trong một thế giới đầy bất công và chỉ có con vịt mới là thứ liên kết họ với thế giới. Hạnh từng chăm cả đàn vịt. Cười ấp một quả trứng vịt, nở thành vịt con. Hạnh cười hiền khi cô ôm con vị trên tay, dường như cô trở lại một phần quá khứ xưa cũ, ngày mã cô chưa sa ngã, ngày mà gia đình vẫn túc tắc làm ăn bằng đàn vịt sáng ra, tối vào. Con vịt còn là thứ dẫ đến cao trào cho tất cả. Tối hôm đó, Hạnh đến thăm Cười. Cô ôm con vịt béo, nói bằng một giọng tỉnh tỉnh mà lại nghe xót với Cười. Đột nhiên, lòng tôi quặn lại. Đau quá, một cái tên gọi cũng gây đau đến vậy sao?


“Người ta từ trước đến nay chỉ gọi tôi là con đi chó, con đĩ ngựa, chứ chưa bao giờ gọi tôi là con vịt”


Vậy mà cũng là cách gọi tên một người hay sao? Vậy tại sao cô có thể nói tỉnh rụi như vậy? Vì quá quen hay đau quá mà quên đi cách phản ứng trước nỗi đau mất rồi. Tôi thấy thương cho cô, chưa bao giờ hết thương cô, Hạnh ơi …


Và cao trào lên đến đỉnh điểm khi để bảo vệ Cười và con vịt, cô đã vùng lên, đánh chết mụ má mì và tên bảo kê. Trong cái hành động đó, dường như có cái gì gọi là uất ức vùng dậy, cô phản kháng bằng một cách tiêu cực, nhưng không có gì phù hợp hơn. Đặt vào hoàn cảnh đó, ta dù biết là sai trái, là có tội, nhưng vẫn không thể nói dừng được. Cái uất lên đến đỉnh, như một ngọn lửa căm hờn thiêu rụi tất cả. Bởi vì đó là một lẽ rất tự nhiên, có áp bức thì phải có đấu tranh. Hạnh đã vùng lên, và cô đã giết người, dù đó chỉ là hành động rất tự nhiên. Cảnh cuối cùng trong số ba cảnh phim để lại ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là cảnh, sau khi giết người, Hạnh đi xe máy trong một tâm trạng rối bời, gần như bàng hoàng, đau đớn. Và tôi khóc khi thấy Hạnh dừng xe, đèn giao thông chuyển xanh từ lâu còn cô thì vẫn không di chuyển. Hạnh khóc, nức nở, tức tưởi. Hai vai rung lên, và khuôn mặt xô lệch vì nước mắt. Đau, lần đầu tiên Hạnh khóc. Khóc vì bản thân, vì tất cả cay đắng tủi nhục cô phải chịu, và khóc vì hai sinh mạng cô vừa tước mất. Có thể hiểu vì sao cô khóc, vì Hạnh quá thiện lương, thiện lương hơn bất kì người nào khác. Và việc giết người, không bao giờ Hạnh nghĩ đến. Hạnh quá tốt, quá hiền để làm một việc như vậy. Và rồi, Hạnh bừng sáng sau một cơn mê dài trong bóng tối, bằng một khung hình tràn ngập ánh sáng, trên cái ghe của Cười, nói trong thẫn thờ tên cô.Chẳng có gì xúc động hơn cái đau thắt lại của Hạnh, cũng chẳng có gì đẹp hơn một sáng nắng, Hạnh ngồi bên Cười, dù chỉ để nói một cái tên. Tôi khóc. Tôi bị ám ảnh. Phương Thanh ơi, em phục chị. Chị diễn đẹp quá. Dùng một từ nào cũng không thể nói hết được, vì chị ấn tượng quá, cách chị diễn như không diễn ấy khiến tôi quá mức sững sờ. Vượt qua cái  giới hạn bản thân, Phương Thanh hóa thân thật chuẩn xác, diễn tả từng góc cạnh nhân vật bằng lối diễn giản dị, mang hiệu quả bất ngờ.



Và cuối cùng, cái tôi muốn nhắc đến là chữ “tình” của phim. Nó làm tôi nhức nhối, và đặt nó vào một vòng xóay số phận, giống như một luồng gió cuồn cuộn ác liệt, cuốn tôi theo từ lúc nào không biết.




To be continued~






Part 5 is coming soon!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét